Lịch sử khám phá Văn hóa Đông Sơn

Năm 1924, một người câu cá tên Nguyễn Văn Lắm đã ngẫu nhiên tìm được một số đồ đồnglàng Đông Sơn (thành phố Thanh Hóa) ven sông Mã, thuộc địa phận Thanh Hóa. Tiếp đó là những cuộc khai quật của một viên thuế quan Pháp yêu khảo cổ tên là L. Paijot, người đầu tiên khai quật thấy các hiện vật thuộc một nền văn hóa lớn mà 10 năm sau đó, năm 1934, đã được định danh là Văn hóa Đông Sơn. Tên của ngôi làng nhỏ nhắc tới ở trên đã trở thành tên của cả một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí cách đây 2000-3000 năm. Người nói đến danh từ "Văn hóa Đông Sơn" đầu tiên là học giả R. Heine-Geldern. Năm đó là năm 1934. Sau 80 năm kể từ khi được khám phá, đã có hơn 200 di tích và hàng vạn di vật Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu.

Tuy nhiên, không như nữ học giả Madelène Colani (người đầu tiên dùng danh từ Văn hóa Hòa Bình), Heine-Geldern đã định nghĩa về nền Văn hóa Đông Sơn như là một nền văn hóa du nhập từ văn hóa Hán và xa nữa từ Tây phương, thường được gọi là nền văn minh Hallstatt hay là nền văn minh La Tène của Châu Âu. Những học giả kế tiếp học giả Geldern, khi nghiên cứu về Văn hóa Đông Sơn cũng có một cái nhìn tương tự giống Geldern - như V. Goloubew, E. Karlgren và nhất là O. Jansé. Những học giả này đều có những tác phẩm lớn; vì vậy không những có ảnh hưởng đến các học giả quốc tế, mà còn ảnh hưởng đến những học giả Việt Nam.

Tuy nhiên tất cả các lập luận đầu tiên đều cho thấy sự đánh giá sai lầm khi mà Văn hóa Phùng Nguyên có niên đại sớm hơn 1000 năm hé lộ, Văn hóa Đông Sơn là văn hóa bản địa và có sự kế thừa từ Phùng Nguyên.

Tất cả những giả thuyết trên đây đã vô tình đẩy các nhà khoa học đi xa trong các lập luận sau này. Nhưng hiện nay việc nhìn nhận lại nguồn gốc của các cư dân thuộc Văn hóa Đông Sơn đã hé mở các khả năng mới: người dân ở Đông Sơn cách ngày nay trên 3.000 năm là thuộc một chủng tộc gọi là Mongoloid mà về mặt nhân chủng học thì họ có một vùng cư trú rộng lớn bao gồm cả miền Nam Trung Quốc - lãnh thổ của nước Nam Việt sau khi Triệu Đà chiến thắng Vương quốc Âu Lạc.

Văn hóa Đông Sơn có mối liên hệ mật thiết với các nền văn hóa phát triển cùng thời ven biển Đông như văn hóa Sa Huỳnh (ở Nam Trung Bộ) và văn hóa Đồng Nai (ở lưu vực sông Đồng Nai).